Sunday, August 28, 2011

GIÓ ĐƯA CÀNH TRÚC LA ĐÀ

Ở cố đô Huế, trong nhân gian thường nghe hai câu hò rất thi vị đã đi vào lòng người dân miền sông Hương núi Ngự trong nhiều thế kỷ từ khi chùa Thiên Mụ được hoàn thành. Hãy lắng lòng nghe tiếng hò trên sông Hương vào một đêm khuya:


Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Xương





Gió đưa cành trúc la đà:


Một cơn gió thoảng qua ru nhẹ cành trúc la đà đang soi mình trên dòng sông Hương Giang lửng lờ trôi. Một hình ảnh thật nên thơ! Hình ảnh này còn biểu hiện gì nữa không?


Nếu ai có dịp bước vào Tu viện Kim sơn sẽ thấy hai câu thi kệ, có một hình ảnh tương tự đầy thiền vị:


Gió về trúc dậy lao xao


Gió đi trúc lặng tiếng chào cũng không





Một hình ảnh khác cũng không kém phần lý thú trong câu chuyện phong phan: “gió động hay phan động”. Sau hơn 15 năm ẩn dật, Lục Tổ Huệ Năng bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp. Ngài đến chùa Pháp Tánh tại Quảng Châu, gặp lúc Pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết Bàn. Trước chùa có hai vị sa di đang tranh luận khi thấy gió thổi phan (phướn) bay qua bay lại. Một vị nói “phan động”. Vị kia nói “gió động”. Ngài Huệ Năng tiến đến nói: “Không phải gió động, không phải phan động, chính tâm các ông động”. Cả chúng đều ngạc nhiên. Hai vị sa di mỗi người chấp một bên nhìn phiến diện nên có sự tranh cãi. Trái lại nếu biết các pháp duyên khởi thì không có gì phải tranh luận.


Trong thế giới của người thường thì vạn vật có trong có ngoài, có tới có đi, có sanh có diệt. Còn người giác ngộ nhìn vào trong thế giới thì không thấy thế giới mà chỉ có thấy Pháp giới, tức là thấy tính duyên sinh của mọi sự mọi vật. Nhỏ không trong mà lớn không ngoài. Cái này không nằm trong cái kia mà cái tất cả nằm trong cái một và cái một trong cái tất cả.


Gió đưa cành trúc la đà là một hình ảnh tuyệt đẹp của thế giới người thường vì thế giới này được nhìn bằng tâm phân biệt. Tâm phân biệt không nhìn thấy thực tướng của vạn pháp. Vì vậy mà tiếng chuông Thiên Mụ đã có mặt để thức tỉnh lòng người.





Tiếng chuông Thiên Mụ:


Chuông Thiên Mụ thuộc loại Đại Hồng Chung lớn nhất ở cố đô Huế. Đại Hồng Chung được thỉnh lên trong những dịp lễ lớn bằng ba hồi chuông trống Bát Nhã, hoặc vào lúc sáng sớm (4 giờ rưỡi) cuối canh tư đầu canh năm hoặc lúc chiều tối. Tiếng chuông chùa vượt không gian và thời gian trên vọng tới thiêng đàng, dưới vọng tới địa phủ. Trên cõi thiên đàng mà nghe tiếng chuông thì chư thiên biết mình đang có may mắn sống trong hạnh phúc. Dưới cõi âm mà nghe tiếng chuông thì người ta thức tỉnh, bớt đau khổ và lo sám hối niệm Phật để có hy vọng thoát khỏi khổ đau.


Tiếng chuông chùa cũng nhắc nhở người sống về cuộc đời giả tạm, vô thường, khổ đau và mau trở về quê hương nguồn cội. Đó là quê hương tâm linh, là sự sống trong giây phút hiện tại, là hải đảo tự thân nơi đó ta có thể tiếp xúc với Phật, với Tịnh Độ, với Tổ Tiên tâm linh và huyết thống.


Tiếng chuông chùa còn là nguồn cảm hứng cho văn nhân thi sĩ. Trương Kế, một thi sĩ nổi tiếng của Trung Quốc đã nhờ tiếng chuông chùa Hàn San mà làm được một bài thơ bất hủ được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới trong giai thoại sau đây:


Một đêm trăng thượng tuần, khoảng mồng ba, mồng bốn âm lịch, thi sĩ Trương Kế nằm trong khoang thuyền đậu ở bến Cô Tô, gần chùa Hàn San, cảm thấy hứng làm một bài thơ tứ tuyệt. Thi sĩ làm được hai câu thì bí:


Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên


Giang phong ngư hỏa đối sầu miên


Tạm dịch:


Trăng tà tiếng quạ kêu sương


Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ





Lúc đó, trên chùa Hàn San, sau giờ thiền tọa thầy trụ trì cùng đệ tử dạo quanh hoa viên, thấy trăng sáng huyền ảo ai cũng làm thơ. Thầy làm được hai câu rồi cũng bí:





Sơ tam sơ tứ nguyệt mông lung


Bán tự ngân câu, bán tự cung


Có nghĩa là: Đêm mồng ba, mồng bốn, trăng lung linh huyền ảo, nửa giống cái liềm bằng bạc, nửa giống vòng cung.


Thấy thầy mình cạn nguồn thơ, chú tiểu liền xin phép thầy góp ý và làm tiếp hai câu sau cho trọn bài thơ tứ tuyệt:


Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn


Bán phần trầm thủy, bán phù không


Có nghĩa là: Một phiến ngọc nay chia làm hai, nửa phần chìm đáy nước, nửa phần treo lơ lửng trong hư không.


Thầy trụ trì tấm tắc khen hay, hay quá và bảo đệ tử thỉnh ba tiếng đại hồng chung để tạ ơn Phật gia hộ cho thầy trò mình hoàn thành bài thơ.


Trong đêm khuya vắng lặng, tiếng chuông chùa làm thi sĩ Trương Kế giật mình tỉnh giấc, nguồn thơ được khai thông bèn làm nốt hai câu sau:


Cô Tô thành ngoại Hàn san Tự


Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền


Thi sĩ Tản Đà dịch cả bài:


Trăng tà tiếng quạ kêu sương


Lửa chài cây bến sầu vương giấc hồ


Thuyền ai đậu bến Cô Tô


Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San


Tiếng chuông chùa Hàn San đã giúp cho khách trần mà đại diện là thi sĩ Trương Kế ra khỏi giấc mộng con và giấc mộng dài để trở về sống trong giây phút hiện tại của tĩnh thức.


Tiếng chuông Thiên Mụ cũng đã ngân lên và đi vào lòng dân tộc, đánh thức bao nhiêu thế hệ tỉnh cơn mơ dài để trở về chơn tâm thường trú của mình.





Canh gà Thọ Xương:


Quả đất xoay vần, ngày đến đêm, tối rồi sáng. Mọi sự đi theo luật vô thường chuyển hóa. Sau đêm dài chìm trong bóng tối, sau tiếng chuông Thiên Mụ đến lượt tiếng gà Thọ Xương báo hiệu bình minh đang trở về. Nắng lên rồi, bóng tối sẽ chìm mất, nhường chỗ cho mặt trời soi sáng thực tại nhiệm mầu. Minh sanh thì vô minh diệt. Minh và vô minh vốn không hai, vì:





Vô minh thật tánh tức Phật tánh


Ảo hóa không thân tức Pháp thân


(Chứng Đạo Ca)


Phật tánh thanh tịnh vốn sẵn có trong lúc con người chìm đắm trong bóng tối vô minh phiền não đầy đau khổ. Mê tức phàm phu, giác tức Phật. Bật đèn tâm lên (tâm đăng) thì bóng tối từ vô thỉ biến mất dạng nhường chỗ cho tuệ giác thấy rõ thực tướng là vô tướng, vạn pháp duyên sanh như huyễn.


Mở đèn tâm tức phản văn tự kỷ theo lời dạy của Thiền sư Hương Hải:


Phản văn tự kỷ mỗi thường quan


Thẩm sát tư duy tử tế khan


Mạc giáo mộng trung tầm trí thức


Tương lai diện thượng đổ sư nhan


Hòa Thượng Thanh Từ dịch:


Hằng ngày quán lại chính nơi mình


Xét nét kỹ càng chớ dễ khinh


Trong mộng tìm chi người trí thức


Mặt thầy sẽ thấy trên mặt mình


Đại ý Ngài dạy cứ quan sát tự tâm mình cho đến khi nào thấy được khuôn mặt của Thầy (ý nói mặt Phật hay Phật tánh) trên khuôn mặt của mình (tức tự tâm của mình). Nếu cứ tiếp tục giữ ngọn tâm đăng sáng mãi thì dần dà hành giả sẽ tiến tới cảnh giới vô tâm, tâm bình đẳng vô phân biệt của người giác ngộ mà Thiền sư Hương Hải chỉ dạy cho Vua Lê Dụ Tông như sau:


Nhạn quá trường không


Ảnh trầm hàn thủy


Nhạn vô di tích chi ý


Thủy vô lưu ảnh chi tâm.


Hòa Thượng Thanh Từ dịch:


Nhạn bay trên không


Bóng chìm đáy nước


Nhạn không có ý để dấu


Nước không có tâm lưu bóng


Đêm đã khuya rồi, trời gần sáng. Chúng ta hãy lắng nghe tiêng chuông huyền diệu của chùa Thiên Mụ vào lúc canh gà Thọ Xương cất tiếng gáy chào đón bình minh:


Lắng lòng nghe, lắng lòng nghe


Tiếng chuông huyền diệu


Đưa về nhất tâm


Boong…Boong…Boong………


TÂM ĐĂNG











No comments:

Post a Comment